Chúng con kính xin ngài ban cho lời chỉ dạy để chúng con có thể an tâm và vững bước tu hành.

144

Hỏi:

Theo con được biết, để có thể tu tập Kim-Cang Thừa, hành giả cần hội đủ các phẩm tính: Bồ-Đề tâm mạnh mẽ, trí tuệ sắc bén, và một sự tinh tấn mãnh liệt. Với những yêu cầu như trên thì Phật tử chúng con ở đây khó có thể là những bình chứa thích hợp. Nhưng [chúng con vẫn khao khát thực hành Kim-Cang Thừa], có lẽ là do đã có duyên tiền kiếp với Kim-Cang Thưà. Cũng có lẽ là vì lâu nay chúng con không được gần gũi với các đạo sư [nên chưa được hướng dẫn để có thể phát triển đầy đủ các phẩm tính]. Chúng con kính xin ngài ban cho lời chỉ dạy để chúng con có thể an tâm và vững bước tu hành.

Trả lời của Garchen Rinpoche:

Nếu muốn tu tập để đạt được chánh giác thì phải cần có trí tuệ và từ bi. Đó là hai phẩm tính hỗ tương cho nhau. Khi trí tuệ được vun bồi thì nương vào trí tuệ mà từ bi sẽ phát triển. Có trí tuệ thì không thể nào không quan hoài đến tất cả chúng sinh không sót một ai. Và khi từ bi được vun bồi thì tự khắc trí tuệ cũng sẽ phát triển. Không ai có được trí tuệ và từ bi qua đêm mà phải vun bồi từng chút, từng chút, khởi đầu bằng những thực hành Bồ-Đề tâm tương đối, biết chăm sóc, thương yêu, hỉ xả với những người chung quanh trong một tinh thần vô chấp trước.

Riêng đối với các con là những hành giả muốn tu tập theo Kim-Cang Thừa thì các con còn phải vun bồi một cái nhìn hoàn toàn thuần tịnh. Kiến của các con phải luôn luôn là kiến thuần tịnh. Có được kiến thuần tịnh nghĩa là phải luôn luôn nhìn thấy bản chất của thế giới hiện tượng bên ngoài và bên trong thảy đều thuần tịnh như nhau. Bên ngoài là thế giới mà chúng ta đang sinh sống. Bên trong của thế giới này là tất cả chúng sinh. 

Thế giới bên ngoài thuần tịnh. Chúng sinh bên trong thuần tịnh. Rồi nương vào kiến thuần tịnh này mà thực tập các giai đoạn tu tập quán tưởng Bổn Tôn Hộ Phật (yidam deity practice) theo truyền thống Kim-Cang Thừa để thuần tịnh hoá thân khẩu ý của chính mình.

Riêng về nỗi lo âu không có đạo sư ở gần bên để hướng dẫn các con tu tập và phát triển các phẩm hạnh… thật ra, các con cũng vẫn đang có đầy đủ đạo sư bên ngoài và đạo sư bên trong. 

Đạo sư bên ngoài… tuy không nhất thiết là một vị thầy bằng xương bằng thịt nhưng các con nên hiểu rằng ở khắp không gian này có vô lượng chư Phật và chư Bồ Tát đang ban phước lành cho các con và cho vô lượng chúng sinh. Có thể các con không thấy được bằng mắt phàm nhưng chư Phật và chư Bồ-Tát đang hiện diện khắp mọi nơi giúp các con trên con đường tu.

Còn đạo sư bên trong… đó chính là chánh niệm và tỉnh giác trong các con. Nếu không có được một đạo sư bằng xương bằng thịt bên ngoài thì người thầy tốt nhất là kinh sách, luận giải về Phật Pháp mà các con có thể tự đọc, tự trau dồi, tự tìm hiểu và quán chiếu, để có thể giúp các con thực hành và phát triển chánh niệm và tỉnh giác bên trong. Chẳng hạn như tập sách ‘Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo’ [của ngài Ngulchu Thogme Zangpo], tập sách đó chính là một người thầy tài giỏi nhất mà các con có thể nương tựa vào. Nếu hằng ngày các con đọc tập sách này rồi suy niệm và quán chiếu để hiểu được giáo pháp huyền diệu, đâu là đúng, đâu là sai, tìm hiểu cách thức làm thế nào để giữ được chánh niệm và tỉnh giác trong mọi tình huống… Nếu các con làm được như vậy trong một tinh thần hết sức cẩn trọng thì cho dù không có được đạo sư bằng xương bằng thịt bên cạnh thì các con cũng vẫn có thể tu tập, chẳng những theo Kim-Cang Thừa, mà là bất kỳ Pháp nào cũng vậy.

Lại thêm một thí dụ nữa. Nói đến quy y thì có quy y bên ngoài và quy y bên trong. Quy y bên ngoài là quy y Tam Bảo, nghĩa là quy y Phật, Pháp và Tăng. 

Còn quy y bên trong ? 

Chánh niệm và tỉnh giác chính là Phật. Hãy quy y vào chánh niệm và tỉnh giác bên trong các con. 

Bất kỳ trong giây phút nào nếu các con cũng miên mật thực tập chánh niệm và tỉnh giác thì đó chính là Pháp. Hãy quy y vào những thực hành chánh niệm và tỉnh giác bên trong các con.

Khi miên mật thực hành chánh niệm và tỉnh giác, các con sẽ trở nên những con người tốt hơn, lành hơn, gần với Phật tánh hơn thì đó chính là Tăng. Hãy quy y vào tăng đoàn của những con người tốt lành bên trong các con.

Nếu hiểu được như thế thì các con sẽ thấy là tất cả Tam Bảo đều nằm trong chính chánh niệm và tỉnh giác trong mỗi chúng ta! Đó là cách hiểu sâu sắc nhất để có thể giúp các con thực hành Kim-Cang Thừa hay Mật-Pháp. 

Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, không khác chi chư Phật có Phật tánh. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh không xa lià nhau mà mang tánh đồng nhất. Nhưng tâm của chúng sinh giống như thể những tảng nước đá đặc cứng. Trong khi tâm của Phật thì như thể giòng nước tuôn chảy không gì ngăn trở. Chính vì chúng sinh chấp ngã mà sinh ra vọng tưởng. Vọng tưởng chính là khí trời giá rét biến giòng nước trong tâm chúng sinh trở thành những khối nước đông đặc!

Muốn giúp cho những khối nước đá này tan chảy ra thành giòng nước mềm mại thì chúng sinh cần phải phát khởi và nuôi dưỡng Bồ-Đề tâm! Bồ-Đề tâm (tương đối và viên mãn) chính là sức nóng có khả năng làm tan chảy khối nước đá trong tâm chúng sinh. Khi đá tan ra thành nước, đó là khi chúng sinh đạt được Phật quả!

Muốn phát khởi, đào luyện và nuôi dưỡng Bồ-Đề tâm thì trước hết phải hành trì sáu pháp Ba-la-mật [bố thí, trì giới, nhẫn nhục,tinh tấn, định và tuệ], và đối với các con là những hành giả muốn tu tập theo Kim-Cang Thưà thì phải miên mật hành trì các pháp quán tưởng Bổn-Tôn Hộ-Phật (yidam deity practice), chú trọng vào các phẩm tính giác ngộ của các vị Hộ-Phật để giúp các con đến gần hơn với phẩm tính giác ngộ trong chính mình. Trong bốn câu nguyện Phát Bồ-Đề tâm sau đây…

Bồ-Đề tâm vương, tâm tối thượng, tâm vô cùng cao quý,
Nơi tâm ấy chưa sinh, xin cho tâm ấy nảy sinh,
Nơi tâm ấy đã sinh, xin cho tâm ấy đừng bao giờ thoái chuyển
Mà vĩnh viễn mỗi ngày một vươn lên, vươn lên cao hơn. (*)

Nơi tâm ấy chưa sinh, xin cho tâm ấy nảy sinh… là nương vào Bốn Tư Tưởng Chuyển Tâm (Four Thoughts that Turn the Mind) mà phát khởi tâm Bồ-Đề.

Nơi tâm ấy đã sinh, xin cho tâm ấy đừng bao giờ thoái chuyển… là nương vào sáu pháp Ba-la-mật mà hành trì miên mật.

Mà vĩnh viễn mỗi ngày một vươn lên, vươn lên cao hơn… là nương vào các giai đoạn phát khởi (generation stage) và thành tựu (completion stage) của các pháp môn hành trì và quán tưởng Bổn-Tôn Hộ-Phật của Mật-điển để giúp cho các con hợp nhất với tâm giác ngộ của chư vị giác ngộ.

Thầy Khenpo Tsultrim Tenzin giúp thông dịch từ Tạng-ngữ qua Anh-ngữ những lời khai thị của Đại sư Garchen Rinpoche dành cho các đạo hữu trong nhóm tu học Orgyen Choling tại Việt-Nam. Tâm-Bảo-Đàn ghi chép và thông dịch từ Anh-ngữ qua Việt-ngữ ngày 3/1/2007. Tài liệu Việt dịch trên đây được hiệu đính dựa trên những ghi chép của Tâm-Bảo-Đàn (www.vietvajra.org). Mọi sai sót là của người chuyển Việt-ngữ. Mọi công đức xin hồi hướng pháp giới chúng sinh. 
(*) Bốn câu nguyện Phát Bồ-Đề Tâm do Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu chuyển Việt-ngữ. 

Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a5711/dai-su-garchen-rinpoche-ban-khau-truyen-va-tra-loi-cau-hoi-cua-cac-dao-huu-thuoc-nhom-tu-hoc-orgyen-choling-viet-nam

Chia Sẻ: