Đ𝐚̣𝐢 𝐓𝐡𝐮̉ 𝐀̂́𝐧 – Đ𝐚̣𝐢 𝐕𝐢𝐞̂𝐧 𝐌𝐚̃𝐧 – 𝐓𝐫𝐮𝐧𝐠 𝐐𝐮𝐚́𝐧
“TRI KIẾN: Đại Ấn (Mahamudra), Đại Viên Mãn (Dzogchen) và Trung Quán (Madhyamaka) chỉ cho ta thấy “tri kiến” về Chân Lý Tối Hậu, [tức là] sự chứng ngộ tính Không của các niệm tưởng và của vạn vật. Tri kiến này dẫn dắt ta thấy ra được bản tâm chân thật như chính nó là. Xuyên qua tri kiến và xuyên qua sự tu tập, ta sẽ có được niềm tin vững chắc vào chính bản tâm này. Khi ta ngộ nhập chân tâm thì tất cả mọi niệm tưởng và xúc cảm ô nhiễm sẽ trở thành trí tuệ. Rốt ráo, các niệm tưởng và các cảm xúc nhiễm ô không thực sự hiện hữu. Chúng mang tính không. Nếu con biết rằng ngay chính tự tính cũng mang tính không thì con có thể vượt qua được các niệm tưởng nhiễm ô xuyên qua tri kiến và sự hành trì Đại Ấn hay Đại Viên Mãn.
Chúng ta cần nên hiểu rõ về tri kiến của Đại Ấn (Mahamudra) hay Đại Viên Mãn (Dzogchen). Ý nghĩa của Mahamudra là gì?
Trước tiên, Mahamudra và Dzogchen cũng giống như hai cái tên khác nhau của cùng một người. Có những người nghĩ rằng Mahamudra và Dzogchen khác nhau, nhưng Mahamudra và Dzogchen thực sự không khác nhau. “Mahamudra” là một từ Phạn ngữ có nghĩa là “Đại Ấn.” Theo các Giáo lý Mahamudra, toàn bộ luân hồi và Niết Bàn khởi sinh từ một tâm duy nhất, và tất cả vạn pháp đều được dung chứa ngay nơi tâm này.
Khi chúng ta thực hành Mahamudra, chúng ta chứng ngộ sự hợp nhất giữa tính Sáng Soi [quang minh] và tính không. An trú ngay nơi sư hợp nhất này, tâm giống như hư không Pháp giới [là cảnh giới mênh mông rỗng lặng của hư không]. Một khi con thấy được tính [bao la rỗng lặng] như hư không của chân tâm cũng [thông đồng với] sự sáng soi của tính giác, thì con sẽ chứng nghiệm được rằng các xúc cảm ô nhiễm và các niệm tưởng cũng là không. Khi ta ngộ ra được ý nghĩa của Mahamudra, tâm ta sẽ được giải thoát. Không có bất kỳ một hiện tượng nào mà không mang các đặc tính này [tính Sáng Soi và tính Không], do đó, đây được gọi là “ấn” [mudra]. Và được gọi là “đại” (lớn) [maha] bởi vì toàn bộ vạn pháp đều sinh khởi từ đó. Tất cả mọi hiện tượng của luân hồi và Niết Vàn đều phát sinh từ đó và cũng [tịch diệt] tan biến trở lại vào đó.
Cụm từ Tạng ngữ “Dzogpa Chenpo” đã được rút gọn để chế thành ra từ “Dzogchen.” Dzog có nghĩa là “trọn vẹn” (toàn hảo, viên tròn, viên mãn): toàn bộ các hiện tượng trong luân hồi và Niết Bàn đều đầy đủ trọn vẹn ngay nơi tâm ta. Vì sao chúng lại tròn đầy viên mãn [ngay nơi tự tâm]? Là khi con nhìn vào bản tâm, sẽ có một khoảnh khắc khi niệm trước đã dứt mà niệm sau chưa khởi sinh. Ở khoảng giữa của các niệm tưởng, khi mà các tư tưởng đang tạm thời vắng bặt, con có thể nhận ra được sự hợp nhất của tính Sáng Soi và tính không. Nếu con chứng biết được điều này thì con sẽ thấy ra được rằng chân tính này không hề khác với hư không Pháp giới. Chẳng có gì mà không thể dung chứa được trong hư không, và chẳng có gì vượt ngoài hư không. Chenpo có nghĩa là “đại” (lớn): chẳng có gì vượt ngoài tính ấy. Chỉ cần chứng ngộ điều này, con sẽ trực diện Phật. (pp. 46-47)
Chúng ta thực hành nhiều pháp hành trì khác nhau– Đại Ấn (Mahamudra), Đại Viên Mãn (Dzogchen) hay Trung Quán (Madhyamaka). Các vị học giả thì tu theo Trung Quán. Các môn đồ thuộc dòng tu tập [nương vào] sự gia trì [đến từ đạo sư] thì noi theo Đại Ấn hay Đại Viên Mãn. Đức Tổ Jigten Sumgon đã từng nói rằng, một khi ta chứng ngộ được bản tâm thì sự đặt định danh hiệu cho ba đại Pháp — Dzogchen, Mahamudra hay Madhyamaka — cũng chỉ là một sự bám chấp, và bởi thế, là vô minh. Sự bám chấp này cần phải được hoàn toàn dứt trừ.
Lẽ dĩ nhiên chúng ta có thể nói rằng, “Tôi thực hành Dzogchen”– cũng không có gì sai trái khi nói điều đó. Nhưng nếu con thật tu, thì con không nên nghĩ rằng,”Tôi đang làm cái này hoặc cái kia. Tôi đang thực hành Dzogchen, Mahamudra, hay là bất kỳ cái gì gì đó.” Ngày nào mà con còn suy nghĩ như thế, thì chẳng thể nào có thể phá chấp. Điều rốt ráo là con cần phải thoát khỏi tất cả mọi sự chấp trước, và vào lúc đó thì con mới có thể chứng ngộ được sự hợp nhất giữa tính giác sáng soi và tính Không — đó mới chính là kết quả tối hậu hay mật nguyện tối hậu. (pp. 201-202).”
– 𝐋𝐚𝐦𝐚 𝐆𝐚𝐫𝐜𝐡𝐞𝐧 𝐑𝐢𝐧𝐩𝐨𝐜𝐡𝐞 –
Tâm Bảo Đàn tạm dịch – ngày 9 tháng 9 năm 2016.
(Trích từ “The All Pervasive Lamp of Wisdom: A Commentary on the Three Statements of Dzogchen”- Singapore: Gyaltsen Publications, 2016, bản tiếng Anh của Ina Dhargye và Gyurmé Avertin)
Nguồn: Garchen Rinpoche VN Archive