Đáp: Tâm chí thành chí tín hướng đến bổn sư (Guru) thật mạnh mẽ, không gợn chút hoài nghi và tình yêu từ sâu thẳm con tim đối với ngài – đây chính là những yếu tố quan trọng nhất để nhận biết ai là Guru của con. Không nhất thiết chỉ được có một bổn sư mà có thể có nhiều bổn sư. Vị ấy cũng không nhất thiết phải là một người còn sống mà có thể là một vị Hộ Phật hay một vị Phật, ví dụ như đức Phật Thích-ca Mâu-ni hay đức Guru Rinpoche. Nếu ta có cảm nhận mãnh liệt về các ngài thì các ngài cũng là bổn sư của ta. Không quan trọng bổn sư là ai, cũng không quan trọng là có bao nhiêu bổn sư, mà quan trọng là tâm mình có thật sự mãnh liệt, tận tụy dâng hiến, hướng tới các ngài hay không. Ta có thể có nhiều bổn sư và phải hiểu điều quan trọng là tâm của các ngài đều như nhau, hoàn toàn hợp nhất. Đó chính là tâm giác ngộ.
Ở đây có hai khái niệm là bổn sư bên ngoài và bổn sư bên trong. Cần phải biết bổn sư đích thực là ai. Bổn sư đích thực chính là tâm của mình chứ không phải bổn sư bên ngoài. Bồ-đề tâm chính là vị thầy bên trong của con. Nhận ra bản tính chân tâm của mình là trở về với vị bổn sư bên trong ta. Con có bao nhiêu bổn sư cũng được vì các ngài đều như nhau. Điều quan trọng là con đừng để bị dính mắc vào hình tướng bên ngoài của bổn sư như mặt mũi, áo quần… mà phải hướng tới cái tâm [của ngài]. Mà tâm của tất cả các ngài đều là một. Khi con có tâm chí thành, chí tín thì không quan trọng ai là Guru của con. Khi tâm của ta hòa được vào tâm của một bổn sư cũng có nghĩa là hòa được vào tâm của tất cả các vị bổn sư khác. Khi tâm ta gần với các vị bổn sư thì điều đó có nghĩa là ta đang quay về với vị bổn sư của chính bản thân mình. Bổn sư bên ngoài chỉ là minh họa của tâm giác ngộ bên trong ta mà thôi.
Bài pháp thoại ngày 24.10.2010 tại Hà Nội, giảng về cúng tsok và pháp tu ngondro (bổ sung phần vấn đáp ngày 24.10 và 25.10).
Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a25910/phap-dam-voi-garchen-rinpoche